“Cỏ Lùng Trong Ruộng”: Bảo Vệ Mùa Màng

 

 

Để giúp cho con cái mình có thể nhận ra những sai trái hay mặt trái của thành phần “phản kitô”, cũng như để bảo vệ họ khỏi bị “cỏ lùng trong ruộng” tân thời lấn át, từ hậu bán thế kỷ 19, Giáo Hội đã lần lượt ban hành các văn kiện chính thức sau đây:

 

1.      Ngày 8/12/1864, Đức Piô IX đã công bố một Bản Tổng Kê (syllabus) 80 điều sai lầm của thời đại bấy giờ về đủ mọi thứ (như khuynh hướng phiếm thần, tự nhiên, duy lý, khô đạo v.v.)

 

2.      Ngày 20-4-1884, Đức Lêô XIII đã ban bố Thông Điệp Humanum Genus về Hội Kín Tam Điểm.

 

3.      Ngày 3/7/1907, Đức Piô X đã ban hành Thông Điệp Pascendi Dominici Gregis về các giáo điều của thành phần tân tiến thuyết, trong đó ngài bài bác và lên án 65 điều sai lầm của họ trong bản Bản Tổng Kê ở cuối bức thông điệp này.

 

4.      Ngày 19/3/1937, Đức Piô XI đã ban hành Thông Điệp Divini Redemptoris về những sai trái và tai hại của chủ nghĩa cộng sản vô thần.  

 

5.      Ngày 12/8/1950, Đức Piô XII đã ban hành Thông Điệp Humani Generis về một số ý nghĩ sai lầm đe dọa tín lý Công Giáo.

 

6.      Ngày 25/7/1968, Đức Phaolô VI đã ban hành Thông Điệp Humanae Vitae về sự sống con người qua việc truyền sinh và phương pháp ngừa thai tự nhiên.

 

7.      Ngày 24/6/1973, Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin ban hành Tuyên ngôn Bảo Vệ Tín Lý Công Giáo về Giáo Hội chống lại một số sai lầm của ngày hôm nay.

 

8.      Ngày 28/6/1974, Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin ban hành Tuyên ngôn về việc Tìm Cách Phá Thai.

 

9.      Ngày 29-12-1975, Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin ban hành một Tuyên ngôn về một số vấn đề liên quan đến Luân Lý Tính Dục .

 

10.  Ngày 6/8/1984, Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin ban hành bản Hướng dẫn về một số lãnh vực của “Thần học giải phóng”.

 

 

11.  Ngày 22/3/1986, Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin ban hành một bản Hướng Dẫn về Tình Trạng Tự Do Kitô Giáo và Vấn Đề Giải Phóng.

 

12.  Ngày 6/8/1993, Đức Gioan Phaolô II ban hành Thông Điệp Veritatis Splendorđể làm sáng tỏ một số khía cạnh tín lý quan trọng đang thực sự bị khủng hoảng … một số vấn đề nồng cốt về giáo huấn luân lý của Giáo Hội” (đoạn 5)

 

13.  Ngày 25/3/1995, Đức Gioan Phaolô II ban hành Thông Điệp Evangelium Vitae “để tái xác định một cách chính xác và cương quyết giá trị của sự sống con người và tính cách bất khả xâm phạm của nó” (đoạn 5)

 

14.  Ngày 14/9/1998, Đức Gioan Phaolô II ban hành Thông Điệp Fides et Ratio “nhấn mạnh đến đề tài về chính chân lý cũng như về nền tảng của nó liên quan tới đức tin” (đoạn 6).

 

Đúng thế, từ thế kỷ 19 mới có hiện tượng “cỏ lùng trong ruộng” “nổi lên rất nhiều” và “lừa được nhiều người” chưa bao giờ thấy như vậy. Thế nhưng, nếu “kẻ gieo giống tốt là Con Người. Ruộng là thế gian; hạt giống tốt là công dân Nước Trời; cỏ lòng vực là thành phần thuộc về tên gian ác. Kẻ thù gieo cỏ lùng là ma qủi; mùa gặt là tận thế và nhân công là các thiên thần” (Mt.13:38), thì ngay từ khi mới có con người và mới có Giáo Hội nạn “cỏ lùng trong ruộng” đã xuất đầu lộ diện rồi. Không phải từ khi mới có con người, đã không có một Cain lấn át Abel hay sao (xem Khởi Nguyên 4:1-16)? Rồi cũng không phải hay sao, từ khi mới có Giáo Hội đã không có cấm cách (xem Tông Vụ 4:1-22; 5:17-42), tử đạo (xem Tông Vụ 7:1-60) và bách hại (xem Tông Vụ 8:1-3), nhất là đã có các lạc giáo tuyên truyền sai lầm trong thời các Giáo Phụ Hội Thánh, rồi tiếp tục cứ thế “cả hai mọc lên cho tới mùa gặt” (Mt.13:30), phải chăng đó chính là mùa Giáo Hội nỗ lực hướng về mục tiêu Đại Kết sau Công Đồng Chung Vaticanô II cho tới nay?

 

Thế nhưng, sở dĩ từ thế kỷ 19 mới có nạn “cỏ lùng trong ruộng” “nổi lên rất nhiều” như vậy là vì tới thời điểm của nó, thời điểm Giáo Hội phát triển đã đến lúc như “lúa lên mạ và trổ bông” (Mt.13:26). Tuy biết rằng “cỏ lùng trong ruộng” có thể nguy hại đến “lúa”, song theo ý định vô cùng khôn ngoan mầu nhiệm của mình, “người gieo hạt giống tốt trong ruộng của mình” (Mt.13:24) vẫn tỉnh bơ “ngủ” (Mt.13:25), dù biết rằng “đó là do kẻ thù làm” (Mt.13:28), lại còn không cho phép nhân công “nhổ cỏ” (Mt.13:29) trước khi “tới mùa gặt”, là vì ông không muốn để việc diệt cỏ lùng lây hại đến cả “lúa” (xem Mt.13:29), một tai hại còn tệ hơn cả sự có mặt của “cỏ lùng trong ruộng” cùng với hoạt động phá hoại của nó. Bởi vì, nhờ “cỏ lùng trong ruộng” mà “lúa” mới có cơ hội tốt cũng như mới càng được dịp sống đức tin chân chính và sáng tỏ hơn, một yếu tố thiết yếu để hoàn thành sứ vụ tân phúc âm hóa trong ngàn năm thứ ba, đúng như lời Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II trong Tông Huấn “Giáo Hội tại Mỹ Châu” trong khoản 73 mang tựa đề “Thách Đố của Các Giáo Phái (sects)“sau đây:

 

“Hơn bao giờ hết, tất cả mọi tín hữu cần phải tiến từ đức tin thói quen hầu như chỉ được bảo tồn nhờ mối tương quan xã hội, đến đức tin ý thức và tự sống. Việc canh tân đức tin bao giờ cũng là đường lối tốt nhất để dẫn người khác về với Chân Lý là Chúa Kitô”.

 

(Tuần san L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, 27-1-1999)

 

Trong bối cảnh khủng hoảng về cả đạo lý lẫn luân lý hiện nay, và theo ý hướng của Vị Chủ Chăn Tối Cao trên đây, bộ Ánh Sáng Sự Sống xin dành trọn cuốn Giáo Lý Cẩm Nang cuối cùng (thứ 12) này để tổng lược tất cả những gì tóm gọn liên quan đến vấn đề giáo lý đã diễn tiến trong suốt giòng lịch sử của Giáo Hội cho đến nay.

 

Cuốn Cẩm Nang Giáo Lý này gồm có 400 Chân Lý Đức Tin (trang 25-76), 227 Luật Điều Đức Mến (trang 77-136), 92 Lạc Giáo trong Giáo Hội (trang 137-192), 41 Sai Lầm của Chủ Xướng Cải Cách (trang 194-201), 12 Ngụy Trương của Hội Kín Tam Điểm (trang 202-206), 80 Sai Lầm của Trào Lưu Cấp Tiến cận đại (trang 207-219), 65 Sai Lầm của Chủ Nghĩa Tân Tiến cận đại (trang 220-231), 561 khoản Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo cập nhật hóa hiện đại (trang 233-356) và 44 điều Tuyên Ngôn Chung về Tín Lý Công Chính Hóa giữa Liên Hiệp Luthêrô Thế Giới và Giáo Hội Công Giáo Rôma (trang 211-225).

 

Xin “Lời đã hóa thành nhục thể và ở giữa chúng ta” (Jn.1:14) là “ánh sáng chiếu trong tăm tối” (Jn.1:5) luôn soi dẫn chúng ta theo “ánh sáng sự sống” (Jn.8:12)!

 

 

 

(Bài mở đầu trên đây của người soạn tập sách này đã được phổ biến trên Nguyệt San Dân Chúa Mỹ Châu 9/1999)

 

 

Khởi Soạn Lễ Phục Sinh 4-4-1999

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL